Nhắc đến Ngọc Đan Thanh, chúng ta nhớ về một nghệ sĩ khả ái mà tên tuổi của cô đã phủ sóng khắp các lĩnh vực, từ cải lương, kịch nghệ, điện ảnh, tân nhạc cổ nhạc, MC và là gần nhất là xướng ngôn viên đài truyền hình.
Có lẽ ai cũng dễ nhận thấy ở khuôn mặt Ngọc Đan Thanh toát ra một vẻ đẹp hiền dịu, nụ cười gần gũi, dễ mến và nhân hậu thuần chất người miền Tây Nam bộ, được đánh giá là nữ nghệ sĩ có một sắc đẹp sắc sảo, rất ăn ảnh khi thu hình ở Đài Truyền Hình hoặc khi đóng phim.
Nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh tên thật là Lê Thị Huệ, sinh năm 1952 ở Bạc Liêu trong gia đình có cha là người dân lao động bình thường nhưng rất mê đờn ca tài tử. Từ nhỏ được gần gũi cha nên Ngọc Đan thanh đã rất rành những câu vọng cổ mà ông thường hát. Đến năm 13 tuổi Ngọc Đan Thanh được cha cho theo học cổ nhạc với thầy Năm Đờn. Sau khi học chỉ mới được 2-3 tháng, cô được xuất hiện trên các đài phát thanh, diễn vai em bé trong các liên ca cổ nhạc.
Năm 14-15 tuổi, Ngọc Đan Thanh bắt đầu cộng tác với chương trình Tiếng Chim Gọi Đàn trên đài phát thanh, sau đó là đài Mẹ Việt Nam để hát vọng cổ.
Khoảng năm 16 tuổi, khi không thể hát vai "em bé" được nữa, nhưng lại chưa đủ khả năng được vào vai đào của người lớn, Ngọc Đan Thanh qua học tân nhạc ở lớp Lê Minh Bằng được vài tháng cho đến sự kiện Mậu Thân, cô gia nhập vào gia nhập Ban văn nghệ Hoa Rừng của binh chủng Biệt Động Quân để đi hát nhiều ở các tiền đồn. Năm 1971, cô rời Biệt Động Quân để về ban Hoa Tình Thương của Tiểu Đoàn 50 CTCT cho đến 1975.
Có thông tin nói rằng Ngọc Đan Thanh xuất thân từ trường Quốc Gia Âm Nhạc, tuy nhiên cô phủ nhận thông tin này và nói rằng mình không được qua trường lớp bài bản mà chủ yếu là học từ đồng nghiệp. Nhờ đam mê nghệ thuật nên cô chịu khó tìm tòi học hỏi và được bạn bè chỉ dẫn nhiệt tình. Hơn nữa để vào được Quốc Gia Âm Nhạc thì phải có bằng tú tài, còn Ngọc Đan Thanh đã tham gia ca hát từ nhỏ nên không học hết trung học.
Năm 1972, Ngọc Đan Thanh được hãng phim Mỹ Ảnh mời đóng phim cuốn phim kiếm hiệp cổ trang tựa đề là Báo Kiếm Rửa Hận Thù với ekip thực hiện chủ yếu là người Đài Loan, đều những người đã từng tham gia trong nhiều bộ phim kiếm hiệp nổi tiếng của Hồng Kông và Đài Loan.
Cũng trong năm 1972, Ngọc Đan Thanh được tham gia cuốn phim thứ 2, cũng lại là kiếm hiệp – cổ trang. Hãng phim Cửu Long thực hiện bộ phim Long Hổ Sát Đấu hợp tác với đạo diễn – võ sư Hàn Anh Kiệt (người Hongkong, từng là cố vấn võ thuật cho các phim nổi tiếng có Lý Tiểu Long đóng là Đường Sơn Đại Huynh, Mãnh Long Quá Giang, Long Tranh Hổ Đấu). Trong phim này Ngọc Đan Thanh xuất hiện bên cạnh 2 nam tài tử ăn khách là Trần Quang và Lý Huỳnh.
Sau đó Ngọc Đan Thanh tham gia trong 2 phim Xóm Tôi của đạo diễn Lê Dân, và Chàng Ngốc Gặp Hên của đạo diễn Lưu Bạch Đàn.
Ngọc Đan Thanh cũng tham gia diễn xuất trong nhiều ban kịch nổi tiếng ở Sài Gòn là Ban Kịch Phương Nam, Ban Kịch Thẩm Thúy Hằng, Ban Kịch Sống Túy Hồng, Ban Cải Lương Phụng Hảo, Ban Cải lương Thanh Lịch của Đài Truyền Hình Việt Nam trong những năm từ 1967 đến 1972.
Sau 1975, tham gia đoàn Kim Cương diễn kịch, cải lương và cả tân nhạc. Năm 1979 cô rời đoàn để đi hát nhiều đoàn khác nhau ở cả tỉnh lẫn Sài Gòn cho đến năm 1988 thì rời Việt Nam, 2 năm sau đó nữa mới sang được đến Mỹ.
Khi sang Mỹ mới được tầm 2-3 tuần, công việc đầu tiên của Ngọc Đan Thanh là làm chuyển âm (lồng tiếng) cho các phim Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc, sau đó được trung tâm Người Đẹp Bình Dương mời hát tân nhạc. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì ngưng sự nghiệp ca hát vì lý do riêng. Đến năm 2009, cô mới trở lại với công việc lồng tiếng phim bộ tại VinaFilm, năm 2001 trở lại biểu diễn cải lương, và năm 2007 trở lại hoạt động nghệ thuật sôi nổi, được khán giả nhớ đến trong các vở kịch diễn cùng Kiều Oanh trên Paris By Night. Thời gian sau đó Ngọc Đan Thanh được biết đến nhiều nhất với vai trò MC trên Asia, đồng thời làm xướng ngôn viên ở đài SET và SBTN, phụ trách chương trình cổ nhạc Tiếng Tơ Đồng cùng với nghệ sĩ Chí Tâm.
Năm 2017, Ngọc Đan Thanh trải qua một biến cố về sức khoẻ nghiêm trọng, đột quỵ và bị hôn mê sâu, nhưng may mắn là cô đã vượt qua và vẫn trở lại được với nghề.
Nhiều người nói rằng Ngọc Đan Thanh như là một "đoá hoa nở muộn", vì sự nghiệp trước năm 1975 của cô không được nổi bật cho lắm, đến thập niên 1990 ở hải ngoại thì cũng chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi nghỉ hàng chục năm, nhưng sau đó cô trở lại với nghề để tham gia vào nghệ thuật một cách đa dạng.
Ngoài ra, nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh là một Phật tử thuần thành đã nhiều năm, cho đến năm 2021, cô chính thức xuống tóc, gởi trọn quãng đời còn lại nơi cửa Phật, với pháp danh là Tâm Duyên.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
The post Cuộc đời và sự nghiệp của Ngọc Đan Thanh – Người nghệ sĩ đa tài và khả ái appeared first on Nhạc Xưa.